Mẹo đọc sách khi con vào lớp 1

16/06/2021 Bài viết Giảng viên Phan Hồ Điệp

Đọc sách cùng con khi chúng bước vào tiểu học là một cuộc hành trình hoàn toàn khác biệt và mới mẻ, để tiếp tục trở thành người truyền cảm hứng cho con, đồng thời dần dần giúp con hình thành kĩ năng đọc và tự học thông qua việc đọc sách, các bố mẹ chắc chắn cần phải nhiều thời gian và công sức hơn.

Ghi nhớ: Cần đọc sớm và đọc thường xuyên. Những năm đầu tiên rất quan trọng để nuôi dưỡng tình yêu với việc đọc sách suốt đời. Không bao giờ quá sớm để đọc cho con nghe.


Các mẹo dưới đây giúp con thành người đọc tự tin, hạnh phúc. Hãy thử mỗi tuần một mẹo mới bạn nhé.




1. Mang theo sách lúc ra khỏi nhà: Nên mang theo một cuốn sách bất cứ lúc nào phải chờ đợi, ví dụ đến bác sỹ. Luôn tìm cơ hội để đọc.


2. Một lần là chưa đủ: Khuyến khích con đọc lại các cuốn sách và bài thơ ưa thích. Việc đọc thuộc lòng giúp trẻ có khả năng đọc nhanh và chính xác hơn.


3. Khai thác câu chuyện: Đặt câu hỏi về các câu chuyện vừa đọc, ví dụ: Theo con thì vì sao bạn nhỏ lại làm thế?


4. Kiểm soát truyền hình: Đọc sách khó cạnh tranh nổi với niềm vui xem ti vi. Hãy giới hạn thời gian xem ti vi và khuyến khích con đọc vào lúc rảnh.


5. Hãy kiên nhẫn: Khi con đang tập đánh vần những chữ đầu tiên, hãy cho con thời gian. Hãy dạy con nhìn vào chữ cái đầu tiên của từ, có thể đánh vần thầm trong đầu.


6. Chọn sách đúng trình độ: Đừng chọn những cuốn dày, khó, nhiều chữ. Lớp 1, thường các bé chưa sẵn sàng cho việc đó.


7. Chơi trò chơi với chữ: Ví dụ đổi tất cả tiếng “hát” trong chuyện thành “mát” rồi “cát”, sau đó đổi “cát” thành “cám”, từ “cám” thành “cúm”. Chơi nói lộn, ví dụ: “chú sâu” thành “sấu chu” hoặc “chấu su”.


8. Hãy nhẹ nhàng sửa lỗi: Khi con mới biết đọc, con thường sẽ đọc sai hoặc bỏ sót từ. Đừng nhắc ngay khi con đọc, để con đọc hết một trang ( đoạn) rồi chỉ lại, đọc mẫu cho con nghe, thật nhẹ nhàng thôi nhé.


9. Nói, nói, nói: Hãy nói chuyện với con về việc học, về ngày của con, về những thứ diễn ra quanh nhà. Trong khi nói chuyện có thể sử dụng những từ mới mẻ với con cũng không sao.


10. Viết, viết, viết: Mọi thứ con có thể viết được nên để con viết: danh sách mua hàng tạp hóa, thực đơn cho ngày hôm sau, thư cho bà… Cố gắng lồng những âm/ vần con học vào việc viết mỗi ngày. Ví dụ con học vần “ơi”, hãy viết những từ như: mời, xơi, phơi, với, trời… Đoạn viết mà mẹ gợi ý có thể là: Trời đẹp. Tớ mời mèo đến xơi bánh với tớ. Ăn xong mình nằm phơi bụng thảnh thơi.


Điều mong muốn nhất của mình là có những em bé thích học, thích đọc.


Mà để làm được điều đó không quá khó, miễn là bạn hiểu và kiên nhẫn.


Tin liên quan

Những cách xử lý hiệu quả khi con hay "cãi"

Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.