Liệu có nên cho con sử dụng thiết bị điện tử (dưới 6 tuổi)

02/06/2021 Bài viết Giảng viên Phan Hồ Điệp

Có một ông bố đã hỏi chúng mình: " Liệu có cho con dùng điện thoại (smart phone)/ Ipad không vì anh ấy thấy trên đó cũng có nhiều chương trình hấp dẫn và trẻ có thể học hỏi qua đó"

Đây là câu trả lời của mình: 

1. Ở giai đoạn bé từ 0-3 tuổi, theo mình, chưa nên cho bé dùng. Lý do là ở giai đoạn này mắt bé còn non nớt, các thiết bị điện tử có thể có những ảnh hưởng không tốt cho bé cả về mắt lẫn sức khỏe. 

2. Sang đến giai đoạn sau ( tiền tiểu học), có thể dùng nhưng thời gian hạn chế. Và tất nhiên bố mẹ phải quản lý được thời gian đó. 

3. Làm thế nào để con không quá say mê với các thiết bị điện tử: 

- Quan trọng nhất: Bố mẹ phải là người làm mẫu. Nếu bố mẹ luôn dùng thời gian rảnh rỗi để sử dụng điện thoại/ Ipad thì bé sẽ học theo một cách tự nhiên. 

- Lên thời gian biểu cho bé để bé hiểu rằng, mình chỉ có thể dùng trong khoảng thời gian cho phép. 

- Trong những lúc bé ngồi xem, bố mẹ có thể ngồi cùng. Việc làm này nếu bạn thực hiện ngay từ khi bạn “cấp phép” cho con xem, có thể khiến bé thích thú. Và như vậy sau này bạn dễ dàng hơn trong việc kiểm soát nội dung. 

- Hãy cho con ra ngoài thiên nhiên nhiều. Hãy khuyến khích bé chơi các trò chơi vận động. Hãy dành thời gian trò chuyện với con. Những việc này bạn sẽ thấy có lợi ích to lớn thế nào đối với sự phát triển của bé. Việc trẻ sử dụng chân tay, xúc giác, tăng cường các trải nghiệm sẽ cơ hội tuyệt vời để bé nhanh khôn lớn. 

4. Làm thế nào để bé có thể kết hợp “học” với xem: 

- Hướng dẫn bé hoạt động cùng với hoặc sau khi xem một chương trình nào đó, ví dụ khi nghe bài hát rồi nhún nhảy theo điệu nhạc. Hoặc khi bạn cho bé xem Phần mềm học bảng chữ cái cho trẻ em ABC Kids, bạn rải các chữ cái trên sàn nhà và chơi trò nhảy vào chữ cái mà mình đọc tên. Khi xem phần mềm Học số đếm 0-100 Kids Learn Numbers Gamed, bạn có thể mua táo và nhờ bé chia phần, hỏi số táo mà mỗi người nhận được. Nói chung bạn nên để bé nghĩ rằng, mọi thứ mình xem thật là ý nghĩa, thật vui. 

- Trò chuyện với bé về những gì mà bé xem được. Càng nhiều câu hỏi về những thứ mà bé ít để ý càng tốt. Bé sẽ tập khả năng ghi nhớ. 

- Chọn lựa những chương trình phù hợp như: Ngôn ngữ đẹp (có thể là tiếng Anh hoặc tiếng Việt); Màu sắc vui nhộn; Có tính giáo dục; nhân văn. 

5. Những điều bạn không nên làm: 

- Lấy thiết bị điện tử trở thành phần thưởng hoặc dùng nó để giúp bạn “rảnh tay”. Ví như bạn đừng dụ con ăn nhờ những chương trình trên thiết bị. Con bạn cần cảm nhận vị ngon, niềm vui từ việc ăn uống. 

- Không kiểm soát về thời gian/ chương trình. 

Bạn ơi, xem các thiết bị điện tử nhiều có thể hạn chế khả năng tưởng tượng của trẻ. Mà bạn biết đấy, sau quãng thời gian tuổi thơ, trí tưởng tượng sẽ dần dần giảm đi, không còn mơ mộng và lãng mạn như khi thơ ấu. 

Nên bạn đừng tước đi của con điều đó. 

Hãy nhớ rằng, mọi thiết bị điện tử đều có nút TẮT. 

Và “Ngắt kết nối để kết nối”. Con rất cần giây phút kết nối bên bố mẹ. 

Đừng để thế giới của con trở thành “thế giới vuông” thu gọn trong chiếc màn hình. Hãy để đó là một thế giới “tròn” như vòng ôm của bố mẹ, như môi thơm em bé, như đôi mắt mở to nhìn nụ hoa nở sáng mai…

Bạn nhé!




Tin liên quan

Những cách xử lý hiệu quả khi con hay "cãi"

Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.